Chư hầu của Hậu Lương Tiền_Lưu

Vào mùa xuân năm 907, Chu Toàn Trung buộc Đường Ai Đế phải thiện nhượng cho mình, chấm dứt triều Đường và mở ra triều Hậu Lương, trở thành Hậu Lương Thái Tổ. Hầu hết các quan lại địa phương của Đường đều công nhận Hậu Lương Thái Tổ là hoàng đế, ngoại trừ Hà Đông[chú 16] tiết độ sứ Lý Khắc Dụng; Phượng Tường[chú 17] tiết độ sứ Lý Mậu Trinh; Dương Ác (xưng là Hoằng Nông vương); và Tây Xuyên[chú 18] tiết độ sứ Vương Kiến. Tiền Lưu nằm trong số những người công nhận hoàng đế Hậu Lương, bỏ mặc lời đề nghị của La Ẩn rằng nên cùng với các tiết độ sứ khác chống Hậu Lương. Sau đó, Hậu Lương Thái Tổ phong cho Tiền Lưu tước Ngô Việt vương vào ngày Kỉ Mão (3) tháng 5 (16 tháng 6), bổ nhiệm Tiền Lưu là tiết độ sứ của Trấn Hải và Trấn Đông, cũng như là tiết độ sứ trên danh nghĩa của Hoài Nam, sự kiện này thường được xem là mốc thời gian nước Ngô Việt ra đời.[25] Tuy nhiên, bất chấp việc tự xem là chư hầu của Hậu Lương, Tiền Lưu lại cải nguyên niên hiệu Thiên Bảo, thể hiện chủ quyền của mình.[26]

Vào năm 907, quân của Hoằng Nông vương Dương Ác tiến công Tín châu[chú 19]- do quân phiệt độc lập Nguy Tử Xướng (危仔倡) cai quản. Nguy Tử Xướng cầu viện Ngô Việt, quân Ngô Việt đã tiến công Cam Lộ trấn (甘露鎮, gần Nhuận châu) vào mùa xuân năm 908 để giảm bớt sức ép lên Tín châu. Cũng trong năm đó, Tiền Lưu phái Vương Mậu Chương (sau đổi tên thành Vương Cảnh Nhân do húy kỵ) đến triều đình Hậu Lương để đệ trình một kế hoạch tiến công Hoằng Nông. (Sau đó, Vương Cảnh Nhân ở lại làm tướng của Hậu Lương.) Đáp lại, Hoằng Nông (nay do Dương Long Diễn cai quản) khiển Chu Bản và Lã Sư Tạo xuất quân đi bao vây Tô châu; tuy nhiên, đến năm 909, quân Ngô Việt đã đánh bại quân Hoằng Nông bao vây Tô châu, quân Hoằng Nông phải rút lui. Trong khi đó, theo thỉnh cầu của Tiền Lưu, tướng Hậu Lương là Khấu Ngạn Khanh (寇彥卿) cũng tiến công Hoằng Nông, song Khấu Ngạn Khanh đã phải rút quân sau khi không đạt được nhiều tiến triển.[27]

Sang năm 909, Nguy Toàn Phúng tiến công Trấn Nam quân[chú 20] của Hoằng Nông, song bị tướng Chu Bản của Hoằng Nông đánh bại và bắt giữ. Nguy Tử Xướng thoạt đầu chấp thuận quy phục Hoằng Nông, song đến khi Hoằng Nông phái tả tiên phong chỉ huy sứ Trương Cảnh Tư (張景思) đến Tín châu thay thế Nguy Tử Xướng, Nguy Tử Xướng sợ hãi và chạy sang Ngô Việt. Tiền Lưu bổ nhiệm Nguy Tử Xướng là Hoài Nam tiết độ phó sứ, cải tính từ Nguy sang Nguyên (元) (do Tiền Lưu không thích chữ "Nguy").[27]

Vào mùa đông năm 909, do nghe nói rằng Hồ châu[chú 21] thứ sử Cao Lễ (高澧) hung bạo và tàn nhẫn với người dân, Tiền Lưu muốn xử tử Cao Lễ. Cao Lễ hay tin thì nổi dậy và đề nghị quy phục Ngô (tức Hoằng Nông, do Dương Long Diễn nay dùng tước Ngô vương). Tiền Lưu phái Tiền Phiêu đem quân tiến đánh Cao Lễ, còn Ngô thì phái Lý Giản (李簡) đi cứu viện Cao Lễ. Thuộc cấp của Cao Lễ là Thịnh Sư Hữu (盛師友) và Thẩm Hành Tư (沈行思) quay sang chống Cao Lễ, Cao Lễ buộc phải chạy trốn sang Ngô, Ngô Việt tái chiếm Hồ châu. Sau khi đích thân đến tuần nhằm an định khu vực, Tiền Lưu bổ nhiệm Tiền Phiêu làm Hồ châu thứ sử. Cũng trong khoảng thời gian này, Tiền Lưu cho xây dựng đập ngăn nước biển ở cửa sông Tiền Đường và mở rộng chu vi thành Hàng châu. Người ta nói rằng sau sự kiện này, Hàng châu trở thành châu giàu có nhất tại Đông Nam Trung Hoa.[27]

Năm 912, hoàng tử- Dĩnh vương Chu Hữu Khuê ám sát Hậu Lương Thái Tổ, sau đó tức vị. Chu Hữu Khuê ban cho Tiền Lưu tước hiệu đặc biệt là Thượng phụ, Tiền Lưu vẫn giữ tước hiệu này sau khi Chu Hữu Khuê bị giết vào năm 913 và Chu Hữu Trinh trở thành hoàng đế Hậu Lương. Cũng vào năm 913, Ngô tiến hành hai nỗ lực nhằm công chiếm Y Cẩm, một lần do Lý Đào (李濤) và một lần do Hoa Kiền (花虔) cùng Oa Tín (渦信) thống lĩnh. Tiền Lưu đã phái Tiền Truyền Quán và Tiền Truyền Liệu đi chống trả, cả hai lần quân Ngô đều chiến bại, Lý Đào cũng như Hoa Kiền và Oa Tín đều bị bắt. Sau đó, Tiền Lưu phái Tiền Truyền Quán, Tiền Truyền Liệu và Tiền Truyền Anh đi đánh Thường châu của Ngô. Tuy nhiên, quân Ngô Việt đã bị phụ chính Từ Ôn của Ngô đánh bại.[28]

Năm 916, Tiền Lưu phái Chiết Tây an phủ phán quan Bì Quang Nghiệp (皮光業) đi nộp cống phẩm cho Chu Hữu Trinh, với hành trình xa xôi qua lãnh địa của Mân vương Vương Thẩm Tri, quân phiệt độc lập Đàm Toàn Bá- căn cứ tại Tiền châu[chú 22], và Sở. Chu Hữu Trinh rất cảm kích trước cử chỉ này, và đã ban cho Tiền Lưu làm Chư đạo binh mã nguyên soái,[29] và đến năm 917 thì cải thành Thiên hạ binh mã nguyên soái, từ đó các quốc vương Ngô Việt đều giữ tước hiệu này.[30] Cũng vào năm 916, vương tử của Tiền Lưu là Tiền Truyền Hướng (錢傳珦) đã kết hôn với quận quân của Vương Thẩm Tri, do đó hai nước Ngô Việt và Mân có mối quan hệ thân thiện.[29]

Năm 918, Ngô tiến công lãnh địa của Đàm Toàn Bá, Đàm Toàn Bá cầu viện Ngô Việt, Mân và Sở. Tiền Lưu phái vương tử Tiền Truyền Cầu (錢傳球) đi bao vây Tín châu để giảm áp lực cho Đàm Toàn Bá. Tuy nhiên, Chu Bản (đang cai quản Tín châu) lại giả bộ rằng mình sở hữu một lực lượng hùng mạnh, vì thế Tiền Truyền Cầu triệt thoái. Sau đó, tướng Ngô là Lưu Tín (劉信) đã đánh bại và bắt được Đàm Toàn Bá, lãnh địa của Đàm được hợp nhất vào Ngô. (Việc này đã khiến tuyến đường Tiền Lưu sử dụng để triều cống Hậu Lương bị cắt đứt, và từ thời điểm này ông buộc phải đi đường biển để triều cống.)[30]

Năm 919, Tiền Lưu đã tiến công Ngô, cho Tiền Truyền Quán thống soái quân lính. Chiến dịch thoạt đầu rất thành công, Chu Truyền Quán tiêu diệt thủy quân Ngô dưới quyền của chỉ huy của Bành Ngạn Chương (彭彥章) trên đoạn Trường Giang tại Lang Sơn[chú 23]. Thừa dịp thắng lợi, Tiền Truyền Quán tiến công Thường châu, song chiến bại trước Từ Ôn tại Vô Tích[chú 24], các tướng Ngô Việt là Hà Phùng (何逢) và Ngô Kiến (吳建) bị giết, Tiền Truyền Quán buộc phải chạy trốn. Thuộc hạ và dưỡng tử của Từ Ôn là Từ Trí Cáo muốn phản kích và đoạt lại Thường châu, song Từ Ôn từ chối vì muốn dùng chiến thắng này để buộc Ngô Việt phải hòa đàm. Thay vào đó, Từ Ôn trao trả các tù binh Ngô Việt bị Ngô bắt được. Đáp lại, Tiền Lưu cầu hòa với Ngô, chấm dứt chiến tranh kéo dài giữa hai bên. Mặc dù Dương Long Diễn và Từ Ôn nhiều lần viết thư thúc giục Tiền Lưu tuyên bố độc lập khỏi Hậu Lương, song Tiền Lưu từ chối. Tuy nhiên, Tiền Lưu đã không có hành động nào khi Chu Hữu Trinh lệnh cho ông tiến công Lưu Nghiễm- người xưng là hoàng đế của nước Nam Hán.[30] Sau đó, vào năm 920, Ngô lại trao trả Tiền Dật- người bị bắt từ năm 904, cho Ngô Việt, còn Ngô Việt trao trả Lý Đào cho Ngô.[31] Cũng vào năm 920, Tiền Lưu và Mã Ân tiến hành hòa thân khi vương tử của Tiền Lưu là Tiền Truyền Túc (錢傳璛) kết hôn với một vương nữ của Mã Ân, củng cố quan hệ giữa Ngô Việt và Sở.[26][31]

Năm 923, Chu Hữu Trinh phái Binh bộ thị lang Thôi Hiệp sách phong Tiền Lưu làm Ngô Việt quốc vương, công nhận Ngô Việt là một nước chư hầu của Hậu Lương. Sau đó, Tiền Lưu bắt đầu có các hành động khẳng định chủ quyền, như gọi dinh thự của mình là cung điện, gọi nơi quản lý chính sự là triều đình, gọi việc ra lệnh của mình là chế sắc. Sau đó, được Hậu Lương cho phép, trong các biểu trình lên triều đình Hậu Lương, ông không còn xưng là tiết độ sứ nữa mà xưng là Ngô Việt quốc vương. Ông cũng thiết lập một cơ cấu chính quyền giống như triều đình Hậu Lương, song với các chức quan thấp hơn.[32] Các chiếu chỉ của hoàng đế Hậu Lương chỉ gọi ông là Ngô Việt quốc vương mà không còn dùng tên húy, thể hiện sự tôn trọng đối với ông.[26] Sau đó, Tiền Lưu bổ nhiệm Tiền Truyền Quán làm 'lưu hậu' Trấn Hải và Trấn Đông; tổng quân phủ sự.[32]